Suy Niệm Lời Chúa | Chúa Nhật II Phục Sinh - Kính Lòng Thương Xót Chúa | Ga 20,19-31 | Phút Cầu Nguyện

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH - KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (20,19-31)

19Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. 20Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. 22Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

24Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”. Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. 26Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. 27Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. 28Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. 29Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.

30Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

SUY NIỆM

Trong cuộc sống, để nhận biết một thực tại nào đó, chúng ta sẽ có ba cách để nhận biết hoặc tiếp nhận. Thứ nhất là sự trải nghiệm trực tiếp; kế đến là lý luận; và sau cùng là sự tin tưởng. Một trong ba cách nhận biết đó, chúng ta học và tiếp nhận được kiến thức nhiều nhất là sự tin tưởng. Quả thực, một số chuyên gia ước tính rằng chúng ta học được tới 80% kiến thức theo cách này. Chẳng hạn như rất ít người trong chúng ta đi du lịch vòng quanh thế giới. Cách duy nhất chúng ta biết về hầu hết các quốc gia là qua những gì người khác nói với chúng ta. Nói cách khác, chúng ta tin tưởng những người đã đến và ở đó. Nếu có ai nói với chúng ta rằng có một quốc gia tên là Hoa Kỳ và người dân ở đó làm điều này điều kia, chắc chắn chúng ta tin họ.

Hôm nay là Chúa nhật II Phục Sinh, còn được gọi là Chúa nhật Lòng Chúa thương xót. Đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta có dịp để soi rọi niềm tin của mình vào Thiên Chúa và Hội thánh Người.

Lời Chúa nói với ông Tôma mà ngày nay chúng ta vẫn thường nói cho nhau nghe: “Phúc cho kẻ không thấy mà tin” mỗi khi có ai còn nghi ngờ về một điều nào đó “khó tin mà có thật”. Rồi chúng ta cũng còn mạnh miệng phê phán Tôma ngày ấy là người cứng lòng vì đã có đến 10 người làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra, nhưng ông vẫn không chịu tin, dẫn đến thái độ lên án anh chị em: “cứng lòng như Tôma”.

Thánh Tôma có thể được cho là “bổn mạng” của những “kẻ nghi ngờ”, nhưng khi được Chúa Giêsu cho thấy trực tiếp những vết thương nơi thân thể của Người, ngài đã tuyên xưng đức tin cao cả của mình vào Chúa Giêsu: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con” (c. 28). Người nghi ngờ về sự phục sinh của Chúa Giêsu đã thốt ra lời tuyên xưng niềm tin lớn lao nhất vào Chúa Giêsu - Đấng đã sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, trước đó, thánh Tôma tông đồ đã làm một điều mà chúng ta không nên bắt chước. Trong khi mười một môn đệ còn lại, trong đó có thánh Tôma, rất đau buồn trước cái chết của Chúa Giêsu. Khi tất cả các môn đệ tụ họp để cử hành nghi lễ thờ phượng Chúa ngày Sabát hôm đó, Tôma không có ở đó. Tôma đã tách mình ra khỏi nhóm. Chúa hiện ra với các tông đồ để ở với họ và củng cố đức tin họ. Tôma đã không chứng kiến được sự hiện diện của Chúa phục sinh vì ông rút lui khỏi cộng đoàn các môn đệ và ông cũng không tin vào điều mà các môn đệ đã nói về việc họ thấy Chúa hiện ra với các ông.

Qua bối cảnh trên, Tôma giống như con người thời nay chăng? Họ không đến nhà thờ và dự lễ thường xuyên vào các ngày Chúa nhật. Những người như vậy không có mặt trong cộng đoàn Giáo hội khi Chúa Giêsu đến gặp dân Người và củng cố đức tin của họ qua thánh lễ. Con người ngày nay, cũng như con người ở mọi thời đại, đều khao khát Thiên Chúa. Họ đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng họ nghi ngờ liệu ý nghĩa của cuộc sống này có thể được tìm thấy trong bốn bức tường của nhà thờ hay không. Vì lý do này, họ sẵn sàng dành thời gian cho nhiều hoạt động xã hội, giải trí, công việc và theo đuổi tri thức hơn là tham dự thánh lễ Chúa nhật tại nhà thờ. Kết quả là họ vẫn còn nghi ngờ. Như các môn đệ đều nghi ngờ về sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng khi Chúa phục sinh hiện ra, thì mối nghi ngờ của họ đã biến thành niềm tin. Giống như Tôma, từ một người không tin đến tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa, cho dẫu ban đầu ông nghi ngờ về sự sự hiện diện của Chúa phục sinh bởi ông chưa chứng kiến nhưng lòng ông vẫn khao khát tìm kiếm sự thật, và ông không khép kín lòng trí mình. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã cho ông thấy và nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây và hãy xem tay Thầy, hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Qua đây, Chúa Giêsu củng cố lòng tin của Tôma, và nhận thấy rằng, con người ông cũng như trong số các tông đồ khác, không cả tin cũng không cứng nhắc.

Hẳn nhiều người trong chúng ta cũng có những nghi ngờ và thắc mắc về đức tin Công giáo của mình vào Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta hãy xác tín rằng, mình không bao giờ cô đơn trên hành trình đức tin, bởi thánh Tôma cũng đã có sự do dự về niềm tin của mình vào Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đòi chúng ta bỏ lại phía sau những kinh nghiệm, lý trí và tâm trí lý luận của mình. Như vậy, trước khi cần bằng chứng để tin, chúng ta cần giải phóng bản thân khỏi những tổn thương của sự nghi ngờ, tổn thương có thể là sự tức giận, oán giận đang che mờ tâm trí. Chúng ta cần phải biết tha thứ và cầu xin sự tha thứ. Sau đó hãy đến với Chúa Giêsu và hãy để mình nương náu nơi những vết thương đang rỉ máu của Chúa Giêsu vì tội chúng ta và hãy tin vào Người.

Lạy Thiên Chúa hằng hữu và giàu lòng thương xót, xin chạnh lòng thương chúng con. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Đức Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Xin thánh Faustina và thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cầu thay nguyện giúp cho chúng con luôn vững tin vào lòng thương xót của Chúa giữa những thăng trầm biến đổi của cuộc đời này. Amen.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.